08 điểm mới quan trọng của Luật Quản lý thuế 2019 ai cũng phải biết

Thứ sáu - 12/07/2019 23:25
Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý thuế 2019 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV. Thư Ký Luật xin gửi đến Quý Khách hàng, Thành viên tổng hợp những điểm mới nổi bật được quy định tại Luật này.
Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

1. Từ 01/7/2022, chính thức bắt buộc sử dụng hoá đơn điện tử 

Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Luật quản lý thuế 2019. Cụ thể, các quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022; tuy nhiên, Luật cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 01/7/2022.

Theo đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán và các trường hợp xác định được doanh thu khi bán hàng hoá, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Lưu ý: Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai thuế, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.

2. Bổ sung các trường hợp được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp

Theo Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019, từ ngày 01/7/2020 sẽ có 04 trường hợp được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp, cụ thể:

- Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. (Bổ sung thêm đối tượng là hợp tác xã so với quy định hiện hành).

- Cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.

- Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không còn khả năng thu hồi. (Đây là quy định được bổ sung mới so với hiện hành).

- Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp và đã được gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất, kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. (Đây là quy định được bổ sung mới so với hiện hành).

3. Bổ sung quy định về kê khai, tính thuế đối với giao dịch liên kết

Cụ thể, so với quy định hiện hành, Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 đã bổ sung quy định về nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết như sau:

- Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập.

- Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế.

Lưu ý: Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định kê khai, xác định giá tính thuế theo nội dung trên và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.

4. Kéo dài thời hạn cá nhân tự quyết toán thuế TNCN 

Cụ thể, theo Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm như sau:

"a) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;

b) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;

..."

Như vậy, từ ngày 01/7/2020, sẽ kéo dài thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân trực tiếp quyết toán (theo quy định hiện hành chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính).

5. Mở rộng quyền của người nộp thuế

Cụ thể, Luật Quản lý thuế 2019 đã bổ sung thêm một số quyền của người nộp thuế bên cạnh các quyền được quy định tại Luật quản lý thuế hiện hành. Cụ thể:

- Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn.

- Được tra cứu để xem, in toàn bộ chứng từ điện tử người nộp thuế đã gửi đến Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và của pháp luật về giao dịch điện tử.

- Được sử dụng chứng từ điện tử trong các giao dịch với cơ quan quản lý thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

6. Quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

Cụ thể, theo Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019, việc khai thuế, tính thuế đối với đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như sau:

“Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”

Đây là nội dung hoàn toàn mới và lần đầu tiên được quy định trong pháp luật quản lý thuế.

7. Bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho đại lý thuế

Cụ thể, theo Điểm c Khoản 1 Điều 104 Luật Quản lý thuế 2019, từ ngày 01/7/2019, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ đại lý thuế đang thực hiện, các tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế còn có thêm chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

Theo đó, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế được cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ khi có ít nhất một người có chứng chỉ kế toán viên.

Lưu ý: Doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

8. Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế

Bên cạnh các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định hiện hành, Luật Quản lý thuế 2019 bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quản lý thuế, cụ thể:

- Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.

- Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

- Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.

- Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.

Tác giả bài viết: admin (ST)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Khách hàng của chúng tôi

CCG Việt Nam
sdf
sdf sdfd
Xdf
CCG Việt Nam4
Phú Sơn Ltd
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây